Cá Rồng Bối: Đặc điểm & Cách Nuôi Khỏe Đẹp, Lên Màu Chuẩn

Cá rồng bối là một trong những loài cá cảnh quý hiếm tại Việt Nam, tượng trưng cho sự giàu sang và thịnh vượng. Nuôi cá rồng bối không chỉ thể hiện đam mê mà còn nâng cao đẳng cấp và giá trị của chúng ta. Hôm nay, chúng ta hãy cùng Nuoitrong.com khám phá cách nuôi giống cá rồng độc đáo, có vẻ đẹp vạn người mê này nhé.

Giới thiệu về Cá Rồng Bối

  • Tên gọi khác: Cá kim long quá bối, cá lưỡi xương rồng Mã Lai, kim long Malaysia
  • Tên tiếng Anh: Cross Back Golden
  • Nguồn gốc: Khu vực Perak, hồ Bukit Merah, Malaysia
  • Giá bán: 5.000.000 đến 20.000.000 đồng/con tùy vào độ tuổi, trọng lượng, màu sắc của cá

Cá rồng bối được xếp vào danh sách những loài cá rồng đẹp và đắt giá, chỉ đứng sau huyết long. Cá có chiếc đầu lớn nhô về phía trước và chiều dài cơ thể ngắn hơn các loại cá rồng khác. Khi trưởng thành, cá rồng bối có chiều dài từ 15 đến 17cm.

Những con cá chưa trưởng thành dưới 1 năm tuổi có màu bạc sáng, mắt đỏ và vây đuôi chưa có chỉ màu. Khi cá lớn hơn, vảy dần chuyển sang màu vàng, lấp lánh. Lưng cá nhô cao, trên lưng và hông có 2 vệt vàng đậm vô cùng thú vị.

Yếu tố quyết định màu sắc Cá Rồng Bối

Cá rồng bối có thể thay đổi màu sắc trong quá trình sinh sống. Việc lên màu chuẩn hay không phụ thuộc nhiều vào những yếu tố sau:

Yếu tố di truyền

Di truyền ảnh hưởng lớn đến màu sắc của cá. Theo nghiên cứu, 60% cá bố mẹ có màu sắc đẹp sẽ sinh ra những con cá con đẹp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 đến 6 con trong mỗi đàn cá con có màu đẹp. Chính vì thế cá rồng mới có giá trị cao như vậy.

Chất lượng nước

Nguồn nước cũng là yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc của cá rồng bối. Để cá khỏe mạnh và lên màu đẹp, bạn cần đảm bảo yêu cầu nước như sau:

  • Độ pH từ 6.5 đến 7.5
  • Nhiệt độ từ 28-32 độ

Nguồn thức ăn

Để cá rồng bối có màu đậm và sắc nét, bạn cần bổ sung cho cá những thức ăn chứa nhiều chất beta-carotenoids. Loại chất này thường có trong tôm tép tươi. Hãy cho cá ăn thêm 2-3 bữa tim bò mỗi tuần để vảy cá sáng và óng ánh hơn.

Ý nghĩa của cá rồng bối trong phong thủy

Theo người Á Đông, nuôi cá rồng bối sẽ thu hút tài lộc, thịnh vượng và bình an vào nhà. Cá rồng bối được coi là hóa thân của thần long, mang lại sự giàu sang và phú quý cho chủ nhân.

Bên cạnh đó, cá rồng bối còn tượng trưng cho quyền lực và uy nghi, thể hiện đẳng cấp của người nuôi. Mỗi màu của cá rồng bối phù hợp với từng mệnh khác nhau của gia chủ.

  • Gia chủ mệnh Kim nên chọn cá rồng bối màu trắng và vàng ánh kim.
  • Gia chủ mệnh Mộc nên chọn cá rồng bối màu vàng.
  • Gia chủ mệnh Thủy nên chọn cá rồng bối màu xanh.
  • Gia chủ mệnh Hỏa nên chọn cá rồng bối màu đỏ và vàng.
  • Gia chủ mệnh Thổ nên chọn cá rồng bối màu vàng sậm.

Các loại cá rồng bối phổ biến

Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại cá rồng bối với tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, chúng chủ yếu được phân thành 5 loại phổ biến sau:

Cá rồng bối nền vàng

Cá rồng bối nền vàng còn được gọi là cá rồng bối 24K, do cá có màu vàng lấp lánh như những thỏi vàng nguyên chất. Đây là loài cá vô cùng quý hiếm và đắt đỏ, được giới chơi cá cảnh săn lùng ráo riết.

Cá rồng bối nền xanh

Giống cá rồng bối này có xuất thân từ hồ Bukit Merah ở Malaysia. Cá khi trưởng thành có màu óng ánh xanh, lớp vảy to đều, xếp thành từng hàng vô cùng đều đặn và tinh tế.

Cá rồng bối nền đỏ

Cá rồng bối nền đỏ được lai tạo từ kim long và huyết long. Cá có kích thước nhỏ và cơ thể màu đỏ rực rỡ, sắc nét. Hiện nay, giá của cá rồng bối này dao động từ 3.000$ đến 5.000$.

Cá rồng bối bạch kim

Cá rồng bối bạch kim, hay còn gọi là Platinum Crossback, sở hữu những lớp vảy bạch kim lấp lánh do quá trình đột biến. Ngay từ khi còn trong trứng, cấu tạo melanin của loài cá này bị đột biến, khiến chúng không có màu sắc khi mới sinh ra.

Huyết long và hồng long

Hai loài cá này cũng thuộc giống cá rồng bối. Khi trưởng thành, cá có kích thước to lớn, cơ thể dài và vây mở rộng. Cá có màu đỏ hoặc hồng, có thêm hàng vảy thứ 6 nên vô cùng đắt đỏ.

Cách nuôi Cá Rồng Bối đúng kỹ thuật

Cách nuôi cá rồng bối nhanh lớn, lên màu chuẩn đẹp và khỏe mạnh, sống lâu không phải ai cũng biết. Đặc biệt với những người mới vào lĩnh vực cá cảnh. Để quá trình nuôi cá thuận lợi, chúng ta cần đảm bảo các yếu tố sau:

Cách chọn cá rồng bối

Theo kinh nghiệm từ chuyên gia và người đi trước, để sở hữu được những con cá rồng bối chất lượng, chúng ta cần lựa chọn như sau:

  • Chọn rồng bối có kích thước to, dài và đúng chuẩn. Không chọn cá có kích thước bất thường.
  • Kiểm tra vảy cá ở hàng thứ 4 hoặc 5 dưới ánh sáng đèn. Vảy càng chói càng đậm thì cá càng chất lượng.
  • Chọn những chú cá có râu dài, thẳng đứng, miệng cá khép kín, mang cá không được nhăn nheo.
  • Không nên chọn cá rồng bối có mắt lồi, đã xệ hay đã bị mờ mắt. Trề môi và hở miệng cũng cần loại bỏ.
  • Cá bơi khỏe, nhanh nhẹn và giữ thăng bằng tốt khi bơi. Tránh chọn con lờ đờ, bơi sát bờ hay lấp lửng.

Chọn bể nuôi cá rồng bối

Kích cỡ của bể nuôi cá rồng bối rất quan trọng vì nó quyết định đến quá trình vận động của cá. Chúng ta cần tuân thủ quy tắc sau: bề dài của bể gấp 3 lần bề dài của cá và bề rộng bể cần bằng hoặc lớn hơn 2 lần bề dài của cá. Với cá rồng bối, bể cần có thể tích lớn hơn 400l nước.

Đồng thời, bể cần đạt được những thông số sau:

  • Yêu cầu nhiệt độ: từ 28 đến 32 độ C. Nhiệt độ thấp sẽ tạo điều kiện cho cá bị bệnh. Nhiệt độ cao quá lại làm cá bị sốc nhiệt, dễ chết.
  • Yêu cầu độ pH: từ 6.5 đến 7.5. Cá rồng bối thích nước nhạt và hơi đục, vì thế độ pH phải hơi thấp. Bạn có thể pha thêm “nước đen” để độ pH đạt yêu cầu.

Lựa chọn bộ lọc bể cá rồng bối

Cá rồng bối là một giống cá cảnh phàm ăn, càng lớn cá càng ăn khỏe. Do đó, mỗi ngày cá sẽ tiết ra lượng chất thải nhiều, gây ô nhiễm nguồn nước.

Chúng ta cần lựa chọn sử dụng bộ lọc bể cá phù hợp và chất lượng cao. Hệ thống lọc tràn là lựa chọn phổ biến, với cấu tạo thông minh bao gồm 3 phần là lọc cơ học, lọc vi sinh và lọc hóa học, đảm bảo hiệu quả lọc tối đa và mang đến nguồn nước tinh khiết, sạch sẽ nhất cho cá.

Các bước thả cá rồng bối vào bể

Thả cá rồng bối vào bể không khó, tuy nhiên chúng ta cần thực hiện đúng kỹ thuật để cá không bị sốc môi trường mới và nhanh chóng thích nghi hơn.

Bước 1: Bơm nước đã để qua đêm vào đầy bể cá để khử hết hóa chất như chlorine và chloramines. Những chất này có thể gây hại cho cá rồng bối nếu nồng độ quá cao.

Bước 2: Điều chỉnh lại lượng nước để cá thoải mái bơi lội. Không nên để nước quá cao để cá không mất nhiều sức lực khi mới về nhà.

Bước 3: Không thả cá trực tiếp vào bể nước. Đặt túi đựng cá vào trong bể để nhiệt độ trong bể và trong túi cân bằng nhau trong khoảng 30 phút trước khi thả cá.

Bước 4: Đặt cây sưởi vào bể cá và cài đặt nhiệt độ từ 28-30 độ C. Mục đích là duy trì nhiệt độ ổn định trong nước để cá không bị sốc nhiệt.

Bước 5: Để yên cho cá nằm nghỉ ngơi dưới đáy bể. Không nên dùng máy lọc công suất quá mạnh để tránh tạo dòng nước chảy xiết và làm cá căng thẳng.

Thức ăn cho cá rồng bối

Cá rồng bối không kén ăn nhưng chúng ăn khá nhiều, do đó chúng ta cần thường xuyên cung cấp đủ thức ăn để cá luôn khỏe mạnh và phát triển tốt nhất.

Thức ăn của cá rồng bối chủ yếu là tôm đông lạnh, giun dế, côn trùng, trùn chỉ và thức ăn khô. Chúng ta cần đảm bảo nguồn thức ăn sạch sẽ và tươi ngon cho cá. Không cho cá ăn đồ hỏng và đồ chất lượng kém, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của cá.

Mặc dù cá rồng bối ăn nhiều, nhưng chúng ta cũng cần cho cá ăn khoa học và đúng bữa. Mỗi ngày chỉ nên cho cá ăn 2-3 bữa với lượng thức ăn vừa đủ, để tránh làm dư thừa thức ăn dưới đáy hồ và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây ô nhiễm nguồn nước.

Cách vệ sinh bể cá rồng bối

Tùy theo mật độ cá trong bể mà chúng ta thay nước từ 1 đến 2 lần mỗi tuần. Cá rồng bối rất nhạy với hóa chất như chlorine. Khi thay nước, chúng ta nên pha thêm chất trừ Chlorine để đảm bảo an toàn cho cá. Các bước vệ sinh bể như sau:

Bước 1: Tắt hết các nguồn điện như máy lọc bể, đèn chiếu sáng trước khi vệ sinh bể cá rồng bối.

Bước 2: Dùng ống hút để hút bớt nước trong bể cá ra, nhưng nên giữ lại 50% nước cũ. Nếu hút hết nước, cá dễ bị sốc khi thả lại vào bể.

Bước 3: Vớt cá rồng bối ra khỏi bể và thả tạm vào chậu chứa nước từ bể. Chúng ta cần dùng một chiếc nắp đậy lên trên mặt chậu để tránh cá rồng bối nhảy ra.

Bước 4: Tiến hành vệ sinh sạch sẽ xung quanh thành bể, mặt kính, các đồ trang trí bể, đá sỏi và hệ thống lọc bể cá. Nếu hệ thống lọc không hoạt động tốt, chúng ta cần thay mới. Sau khi vệ sinh, bơm nước mới vào bể, bật các thiết bị lên rồi thả cá vào.

Bệnh thường gặp và cách xử lý

Cá rồng bối cũng dễ mắc các bệnh thông thường như các loài cá rồng khác. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu để đề phòng và tránh các căn bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng của cá.

Bệnh xù vảy ở cá

Bệnh này thường xảy ra ở những chú cá nhỏ và yếu. Nguyên nhân gây bệnh là do nấm và sự thay đổi quá đột ngột của môi trường, chất lượng nước quá bẩn và nghèo oxy.

Triệu chứng bệnh: Các hàng vảy cá bị kênh lên, phần lớn ở lưng cá. Trường hợp nặng, toàn bộ vảy trên cơ thể cá bị kênh, mắt hơi lồi ra, cá bỏ ăn và hay oằn người.

Cách điều trị bệnh: Duy trì nhiệt độ nước trong bể khoảng 30-31 độ C, thay nước mỗi ngày 1 lần, tăng cường lượng muối trong bể, rắc thêm thuốc bột vàng của Nhật xuống để cá tắm và ăn.

Bệnh mờ mắt ở cá

Bệnh này khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước không được thay đổi thường xuyên, nước chứa nhiều lượng amôniac và nitrat làm các vi khuẩn bám vào tròng mắt cá gây viêm.

Triệu chứng bệnh: Mắt cá bị sưng viêm, lở loét, mắt hơi lồi ra, cá bỏ ăn, lờ đờ mệt mỏi, chỉ thích nằm yên dưới đáy bể, ít hoạt động.

Cách điều trị bệnh: Tăng lượng muối trong bể cá, giữ nhiệt độ nước khoảng 29-32 độ để ức chế và tiêu diệt vi khuẩn. Sau đó, dùng thuốc tetraxilin hoặc metronidazone với liều lượng 500mg/50lit nước cho cá ăn.

Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu cách nuôi cá rồng bối đúng kỹ thuật để đảm bảo cá khỏe, nhanh lớn và lên màu đẹp nhất. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp bạn có thêm khái niệm và kiến thức để nuôi cá rồng bối hiệu quả. Chúc bạn thành công!

Để biết thêm thông tin, hãy truy cập vào Thế Giới Loài Cá