Cá La Hán bỏ ăn là tình trạng thường gặp phải nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu chưa tìm ra lý do khiến cá bỏ ăn là gì thì người chơi sẽ rất hoang mang, không biết cách xử lý thế nào để bảo vệ sức khỏe cho chú cá của mình. Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ những nguyên nhân chính khiến cá La Hán bỏ ăn và cách khắc phục để giúp bạn tự tin hơn trong quá trình nuôi và chăm sóc loài cá này.
Cá La Hán bỏ ăn – Nguyên nhân và cách điều trị
Cá La Hán bỏ ăn chỉ là một triệu chứng, không phải là một bệnh. Có nhiều bệnh lý mà cá mắc phải gây nên triệu chứng này nên muốn khắc phục, đưa cá trở về thói quen ăn uống bình thường thì cần tìm ra nguyên nhân khiến cá bỏ ăn để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp:
1.1 Cá La Hán bỏ ăn do bị nhiễm khuẩn đường ruột
Bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở cá La Hán xuất hiện khi cá bị căng thẳng trước sự thay đổi đột ngột của môi trường nước, quá trình vận chuyển. Điều này làm hệ miễn dịch của cá suy giảm và vi khuẩn có sẵn trong ruột và phân cá sẽ nhân lên về số lượng và làm đường ruột bị nhiễm khuẩn. Cá La Hán bỏ ăn là một trong các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Ngoài ra, khi mắc bệnh lý này cá cũng sẽ nhút nhát hơn bình thường, màu sắc thân cá nhợt nhạt, phần hậu môn hoặc bụng cá bị sình. Quan sát kỹ người nuôi cũng sẽ nhận thấy phân do cá thải ra kéo thành sợi, màu trắng bông. Để chữa bệnh nhiễm khuẩn đường ruột khiến cá La Hán bỏ ăn cần dùng Metronidazole pha cùng nước theo tỷ lệ: 500 mg/40 lít nước ấm sau đó đổ nhẹ dung dịch này vào bể kết hợp duy trì nhiệt độ bể như bình thường và căn lượng để sao cho việc dùng thuốc không quá liều. Thời gian dùng loại thuốc này cho cá trong khoảng 3-4 ngày. Khi nào thấy phân cá chuyển sang màu đen tức là cá đã khỏi bệnh. Trong suốt thời gian chữa trị, tuyệt đối không cho cá ăn vì dạ dày cá còn yếu nên khi ăn vào sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Khi cá có dấu hiệu khỏi bệnh thì cho cá ăn lại nhưng ăn từ từ với lượng ít sau đó tăng dần lên.
1.2 Cá La Hán bỏ ăn do mắc bệnh đốm trắng
Khi mắc bệnh đốm trắng cá La Hán bỏ ăn, lười ăn. Nguyên nhân gây nên bệnh này là do ký sinh trùng Ichthyophithirius multifilis. Cá mắc bệnh đốm trắng sẽ nổi các đốm màu trắng li ti trên khắp thân mình đúng như cái tên bệnh. Phân vây cá bị dính lại nên cá di chuyển kém và khó, cá mệt mỏi, lờ đờ, lười ăn, bỏ ăn, thở gấp, hô hấp thay đổi. Nếu không điều trị bệnh đốm trắng cho cá La Hán ngay thì cá sẽ bị chết. Do đó, người nuôi cần pha Metronidazole với nước ấm theo đúng tỷ lệ 500mg/100l nước kết hợp với Oxytetracyline pha theo tỷ lệ 1g/100l nước để đổ vào bể. Ngoài việc dùng thuốc người nuôi cá cũng nên pha thêm muối hột với tỷ lệ 2kg muối/100 lít nước để cho vào bể. Trong thời gian điều trị bệnh đốm trắng cần điều chỉnh nhiệt độ tăng dần theo giờ đến khi lên được đến 30 độ thì dừng lại và cứ duy trì nhiệt độ đó đến khi các đốm trắng rụng hết trên người cá.
1.3 Cá La Hán bỏ ăn do bị bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột cũng là nguyên nhân khiến cá La Hán bỏ ăn, chán ăn. Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do cá bị nhiễm ký sinh trùng, vi nấm hoặc ăn phải loại thức ăn nào đó nhiễm khuẩn. Ngoài bỏ ăn thì triệu chứng thường gặp khi cá bị bệnh viêm ruột là phình hậu môn, phình bụng, đi ngoài phân màu trắng dạng sợi. Những triệu chứng này khá giống với bệnh cá nhiễm khuẩn đường ruột nên nhiều người nhầm lẫn. Để phân biệt, bạn hãy kiểm tra lại thức ăn và môi trường sống của cá. Nếu môi trường sống không thay đổi mà có sự thay đổi về thức ăn thì cá bị viêm ruột do nhiễm khuẩn từ thức ăn. Do nguyên nhân đầu tiên khiến cá La Hán bỏ ăn vì viêm ruột là do thức ăn nên muốn chữa bệnh, trước tiên cần dừng cho cá ăn. Tiếp sau đó hãy điều chỉnh tăng nhiệt độ bể dần dần mỗi tiếng đến khi đạt được 30 độ thì dừng kết hợp thay 50% lượng nước trong bể ở ngày đầu, những ngày sau thay 10% nước. Ngoài ra, cá cũng cần được dùng các loại thuốc đặc trị như Cotrim Forte, Chloramphenicol, Furazolidone,… theo đúng hướng dẫn điều trị do nhà sản xuất khuyến cáo.
1.4 Cá La Hán bỏ ăn do bị lủng đầu
Bệnh lủng đầu ở cá La Hán là do đơn bào hình que Hexamita tấn công, lây lan rất nhanh nên cần phát hiện để điều trị ngay. Khi khuẩn đơn bào gây ra bệnh lủng đầu thì đồng thời cũng khiến cá mắc bệnh đường ruột. Ngoài triệu chứng cá La Hán bỏ ăn thì bệnh lý này còn làm cho cá có các lỗ mủ màu nâu, trắng hoặc vàng ở trên đầu. Do bỏ ăn nên cá ngày càng gầy, ốm, teo vây, da sậm màu. Quan sát phân cá thấy có hiện tượng kéo thành sợi màu trắng. Cá mắc bệnh nên mệt mỏi, bơi chậm, đầu hay treo trên mặt nước. Bệnh kéo dài không được điều trị thì cá sẽ lồi mắt vì vi khuẩn trong nước tấn công vào vết thương hở trên đầu cá. Để điều trị bệnh lủng đầu khiến cá La Hán bỏ ăn người nuôi cần thay 2/3 lượng nước trong bể kết hợp vệ sinh bể sạch sẽ rồi pha Metronidazole với nước ấm theo tỷ lệ 500 mg/40 lít nước để đổ vào bể. Việc này cần thực hiện khoảng nửa tháng kết hợp cùng nhỏ xanh methylene vào trong bể để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cách phòng bệnh cá La Hán bỏ ăn
Như phân tích ở trên có thể thấy rằng cá La Hán bỏ ăn do nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố tác động chính vẫn là môi trường nước trong bể và vấn đề cho ăn. Do đó, để phòng ngừa tình trạng này, người nuôi nên:
2.1 Chú ý môi trường và nhiệt độ nước
Môi trường nước lý tưởng để nuôi cá La Hán cần sự ổn định, duy trì nhiệt độ 28-30°C, độ pH 7.5-8.0, nếu vào mùa đông cần chú ý cắm sưởi để nhiệt độ bể lên 32°C để cá có sức khỏe phòng bệnh. Nếu không đảm bảo điều kiện này hoặc chỉ cần một sự tác động nhỏ làm môi trường nước bị thay đổi là cá sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, bể nuôi cá nên có chiều dài tối thiểu là 70cm để cá có không gian vận động thoải mái, nuôi cá một mình để tránh xung đột do không chung tập tính và lây bệnh từ cá khác. Đây cũng là một cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bể nuôi cá La Hán nên có ánh sáng vừa đủ, màu đèn phù hợp với màu sắc của cá, có bộ lọc để luôn đảm bảo nước được lọc thường xuyên, không bị chất thải hay thức ăn dư thừa lắng đọng làm bẩn môi trường sống của cá.
2.2 Cho cá ăn
Cá La Hán bỏ ăn cũng có thể do việc cho ăn không đúng cách, thức ăn không phù hợp, thức ăn mang theo vi khuẩn,… Vì thế, muốn phòng ngừa tình trạng này cho cá, người nuôi cá nên chú ý:
-
Đây là dòng cá có thể ăn nhiều dạng thức ăn khác nhau như: trùn chỉ, tôm cá nhỏ, thức ăn tươi sống xay nhỏ cấp đông, thức ăn dạng viên,… Tuy nhiên, loài cá này thích các loại thức ăn tươi sống xay nhuyễn như tim bò, thịt bò,… hơn nên khi cho ăn ngoài việc đa dạng loại thức ăn thì cũng không nên bỏ qua loại thực phẩm mà cá yêu thích.
-
Khi cho cá ăn chỉ ăn lượng vừa đủ hết trong 3 phút để tránh tình trạng cá ăn quá no sẽ sình bụng hoặc thức ăn thừa phân hủy dưới đáy bể tạo nên ký sinh trùng gây bệnh cho cá.
-
Sau mỗi lần thay nước bể cá nên cho cá ăn ít lại trong ngày đầu rồi những ngày sau mới cho ăn như bình thường.
-
Nên tạo thói quen ăn theo giờ để cá tiêu thụ thức ăn tốt hơn và đảm bảo sức khỏe cho hệ tiêu hóa của cá.
-
Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào cần dừng cho cá ăn để theo dõi.
2.3 Vệ sinh bể cá
Thay nước định kỳ để giữ cho nguồn nước trong bể cá sạch sẽ là biện pháp cần thiết để phòng ngừa cá La Hán bỏ ăn do mắc bệnh. Môi trường nước của cá rất dễ bị bẩn do chất thải từ cá, thức ăn dư thừa,… vì thế cá dễ bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước mất vệ sinh và mắc bệnh. Định kỳ nên thay nước cho bể cá sau khoảng 5-7 ngày/lần, mỗi lần thay khoảng 1/3 lượng nước trong bể, tuyệt đối không thay hết vì có thể khiến cá bị sốc do môi trường nước đột ngột thay đổi. Khi thay nước cũng cần kết hợp vệ sinh hút bỏ cặn bẩn ra ngoài, làm sạch các phụ kiện trang trí và các bộ phận của bộ lọc để loại trừ các yếu tố ô nhiễm nguồn nước. Đây cũng là cách bổ sung thêm vi lượng trong nước để cá có được điều kiện sức khỏe tốt nhất.
Mong rằng những chia sẻ này đã giúp bạn nhận diện được nguyên nhân cá La Hán bỏ ăn để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp, giúp chú cá của mình tránh được những hệ lụy không tốt cho sức khỏe để có được điều kiện phát triển tốt nhất và bạn vẫn luôn có được một bể cá đẹp như ý.
Đây là bài viết được viết bởi Thế Giới Loài Cá. Để biết thêm thông tin về chúng tôi và các sản phẩm đa dạng cho cá La Hán, vui lòng truy cập Thế Giới Loài Cá.